Ăn nắm cơm chấm muối vừng giữa rừng, 2 chị em mải mê hái sim kiếm 30.000 đồng
Tuyến bài: Hồi ức thế hệ 5X - 8X
23/08/2023 06:30 (GMT+07:00)
Khi bầu trời tháng 6 nắng như đổ lửa trên khắp mọi miền quê cũng là khi núi rừng đến mùa sim chín. Màu tím hoa sim tàn lụi, khô quắt nhanh chóng dưới nắng hè, để lại trên cành những chùm quả sai trĩu.
Nắng càng gay gắt, khắc nghiệt thì trái sim càng căng tròn, chín mọng và ngọt lừ. Cả một mảng rừng bạt ngàn sim và sim. Đứng ngơ ngẩn giữa đồi sim xanh ngắt với những cành sim sai quả, tôi bỗng bần thần nhớ về thời thơ ấu. Thuở ấy, chị em tôi đã có những ngày mưu sinh từ những trái sim tròn mọng này.
Nhà tôi ở cách núi gần 3km đường rừng. Sống gần núi nên ruộng ít, người lớn, trẻ con trong làng hàng ngày tỏa lên rừng, sinh sống bằng nghề đốt than, hái củi, làm nhựa thông, cắt cây dành dành làm chổi trện đem bán hoặc hái sim xuống chợ bán mỗi khi đến mùa. Chị em tôi cũng tập tành kiếm tiền từ những chuyến lên rừng hái sim như thế.
Ảnh minh họa
Tờ mờ sáng, từ 3h, hai chị em đã gọi nhau dậy nhóm lửa nấu cơm. Trong lúc chờ cơm chín thì soạn sửa nào thúng, gậy, nước uống, xe đạp và mặc sẵn quần áo dài để khi luồn trong rừng hái sim đỡ bị xót và tránh nắng. Thúng đựng sim được buộc chặt bằng dây cao su vào sau yên xe chắc chắn.
Xong xuôi, hai chị em hái lá chuối sau vườn, xới cơm trắng vừa chín tới cho vào lá chuối rồi hì hụi ngồi đùm nắm. Cơm vắt càng chặt càng có độ dẻo, khi cắt ra miếng cơm không bị rời rạc, ăn sẽ rất ngon. Đi rừng đói bụng mà ăn món cơm nắm chấm muối vừng thì ngon hết nấc.
Hai chị em đạp xe ra ngã ba thì đám bạn trong xóm đã chờ sẵn. Trong đêm tối, cả nhóm lúi húi đạp xe ngược đường lên núi. Đi rừng, phải đi từ sớm để tránh nắng, năng suất làm việc cũng cao hơn nhiều.
Đường lên núi dốc, đường hẹp và vòng vo. Những chiếc xe đạp cũ kĩ vẫn bền bỉ nối đuôi nhau leo dốc để đi vào sâu trong núi. Đến khi không còn đi được, mỗi đứa chọn một cây thông để dựng xe đạp rồi sửa soạn dụng cụ đi bộ vào sâu hơn để tìm sim. Chiếc gậy chuẩn bị sẵn ở nhà mang đi lúc này được dùng để chống đỡ qua những đoạn đường núi khúc khuỷu, cũng là để đề phòng rắn rết thì có sẵn vũ khí chiến đấu.
Càng vào sâu trong núi, cây rừng càng cao, những bụi sim thường cao quá đầu người. Cả khu rừng rậm đầy những sim là sim. Không ai bảo ai, cả đám dàn thành hàng ngang vừa hái sim vừa nói chuyện đề phòng bị lạc nhau. Một tay bưng thúng bên hông, một tay thoăn thoắt vươn lên hái những quả sim to tròn, chín mọng. Những vốc sim đầu tiên, chúng tôi không vội cho vào thúng mà đưa lên miệng ăn cho đã. Một lúc sau, trông miệng đứa nào đứa nấy đều tím một màu sim, trông hết sức nham nhở và buồn cười.
Cần mẫn đến gần trưa, thúng sim đã lưng lửng. Lưng áo đẫm ướt, tóc tai bết mồ hôi. Chúng tôi rủ nhau nghỉ tay, ngồi bệt dưới gốc cây thông, bắt đầu lấy cơm nắm ra ăn với muối vừng. Từng đùm cơm vo tròn được cắt thành từng miếng nhỏ, trắng muốt. Đứa mang muối lạc, đứa mang muối vừng, cả bọn trải ra lá chuối ăn chung. Mệt và đói nên đứa nào cũng ngấu nghiến ăn ngon lành.
Cơm nước xong, nghỉ ngơi thêm 30 phút, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình. Mục tiêu là mỗi đứa hái đầy một thúng sim. Một thúng sim chín, bình quân đám trẻ chúng tôi sẽ bán được tầm 30.000 đồng nếu đúng phiên chợ. Nếu siêng đi hái, mỗi tuần chúng tôi sẽ kiếm được gần 100.000 đồng. Ba tháng hè chăm chỉ như vậy là chúng tôi có đủ tiền sách vở và học phí cho năm học tới.
Chăm chỉ hái đến 15h thì sim đầy thúng. Hai chị em tôi khệ nệ bê những thúng sim đầy tràn chất lên yên xe để buộc. Mặt trên thúng, phải chặt ít cành sim phủ lên để sim trong thúng không bị hấp hơi nóng, vừa để sim không bị văng ra ngoài trên đường về.
Kết thúc một ngày lao động, đứa nào cũng mệt nhoài nhưng gương mặt tràn đầy phấn khởi. Chúng tôi lại hẹn nhau ngày mai mang sim ra chợ bán, lại có dịp ngồi chung với nhau. Trẻ con là thế, không nghĩ đến cạnh tranh hay sợ mất khách, chỉ quan tâm làm mọi thứ cùng nhau thì sẽ rất vui vẻ.
Tuổi thơ của chúng tôi trôi qua trong những tháng ngày đẹp tươi và hồn hậu như thế. Không tivi, không điện thoại, chỉ có những trò chơi dân gian vào buổi tối hay những chuyến lên rừng hái sim, bẻ củi, những chuyến chợ phiên ngồi gom nhặt từng đồng nhưng ánh mắt, nụ cười của chúng tôi luôn ngập tràn hạnh phúc mỗi khi có khách hỏi mua hàng.
Tất cả những điều đó gói gọn lại thành những mảng ký ức tuổi thơ cất giữ trong tim, để sau này mỗi khi có dịp nhớ về, mọi thứ lại lần lượt tái hiện như một cuốn phim quay chậm.
Đi qua những năm tháng, mỗi người đều mang theo mình vô vàn ký ức. Ký ức đó có thể là tình yêu quê hương cháy bỏng, một mảng mơ hồ, mộng mị của tình yêu đôi lứa, hoặc khoảng lặng nhớ về một người, một thời gian khó... Tất cả ký ức vui buồn ấy sẽ sống lại qua tuyến bài Hồi ức thế hệ 5X - 8X.VietNamNet mời độc giả thế hệ từ 5X đến 8X gửi chia sẻ về ký ức của mình đến email: bandoisong@vietnamnet.vn. Những bài có nội dung hấp dẫn, cảm động sẽ được đăng tải trên VietNamNet.Trân trọng cảm ơn! |
Nguyễn Hằng
Nhớ thời bánh đúc bẻ ba
Nhớ thời “Bánh đúc bẻ ba/Tôm canh quẹt ngược/Cửa nhà anh xiêu”.
Bát canh cua đồng và yêu thương mênh mông ùa về
Bát canh cua nóng nảy, thơm lừng mùi cua đồng tháng 6, mùi rơm rạ vừa gặt, mùi rau nhút ao làng, và một thứ rau không nơi nào có, ngoài quê tôi - rau mầm mộng bông… khiến bao người thương nhớ.
Nữ đầu bếp tiết lộ lý do đặc biệt không bao giờ ăn cay, nấu cỗ chay vạn người mê
Đam mê đồ ăn chay, chị Nhung nguyện dành cả cuộc đời để tìm tòi, cải tiến công thức, chế biến những món ngon, độc lạ mà rất đỗi thân thương.
Bình luận