Theo quy định, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Với quy định này, nhiều lao động buộc phải rời bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) giữa chừng, nhất là với lao động trực tiếp.
Xem xét giảm tuổi nghỉ hưu với lao động trực tiếp là nguyện vọng của người lao động và doanh nghiệp. Ảnh: Quang Vinh.
Mong muốn rút ngắn tuổi nghỉ hưu
Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. Tuổi nghỉ hưu điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Quy định này khiến nhiều lao động buộc phải rời bỏ hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) giữa chừng, nhất là với lao động trực tiếp.
Anh Trần Văn Minh, làm việc tại doanh nghiệp (DN) sản xuất hóa chất ở TP Việt Trì, Phú Thọ cho hay, khi DN làm ăn thuận lợi, họ có chính sách tốt để giữ chân NLĐ, nhưng khi làm ăn khó khăn thì sẽ tìm cách sa thải NLĐ, đặc biệt là lao động ngoài 45 tuổi sẽ vào “tầm ngắm” của DN.
“Ở tuổi ngoài 45, các DN đều chê NLĐ mắt mờ, tay yếu, không đảm bảo công việc, vậy ai sẽ nhận NLĐ vào làm việc cho đến khi đến tuổi nghỉ hưu. Vì vậy, nếu không có những quy định đặc thù về chính sách hưu trí cho lao động trực tiếp thì rất nhiều NLĐ buộc phải xin rút BHXH 1 lần” - anh Minh chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Dũng (Cầu Giấy, Hà Nội) - công nhân cơ khí nhưng đã bị công ty cho thôi việc từ giữa tháng 6 đến nay, sau gần 3 tháng anh vẫn chưa thể xin được việc. Nguyên nhân do DN tuyển lao động trẻ, còn lao động lớn tuổi như anh dù có kinh nghiệm vẫn khó xin được việc làm phù hợp. Từ những khó khăn trên, anh Dũng mong rằng, khi sửa đổi Luật BHXH cần khảo sát thực tế nguyện vọng của NLĐ, bởi công nhân bị mất việc khi đã lớn tuổi khó có thể xin được việc làm ngay...
Thực tế đây cũng là mong mỏi của rất nhiều NLĐ hiện nay. Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho biết, qua ghi nhận ý kiến của người lao động liên quan đến dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) thì công nhân lao động sản xuất trực tiếp ở các DN mong muốn được giảm tuổi nghỉ hưu so với quy định hiện hành.
Theo ông Dưỡng, đa phần công nhân trực tiếp thường khó làm việc đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, thậm chí chỉ cần đến độ tuổi 45, nhiều NLĐ đã phải dừng khi phải làm việc với cường độ lớn, cần độ chính xác cao trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp.
Phân loại lao động
Từ thực tế như trên, đại diện Công đoàn TP Hà Nội cho rằng, quy định tuổi nghỉ hưu nên linh hoạt theo nhóm ngành nghề. Chẳng hạn, với nhiều trường hợp đủ số năm đóng BHXH, nhưng chưa đủ tuổi có thể linh hoạt cho nghỉ trước hay không.
Theo ông Dưỡng việc phân loại ngành nghề để quy định tuổi nghỉ hưu sẽ là giải pháp hiệu quả đảm bảo lưới an sinh, đồng thời góp phần tạo môi trường làm việc bình đẳng, công bằng cho mọi lao động.
Theo đại diện Công đoàn TP Hà Nội, tình hình quan hệ lao động tại Hà Nội ổn định khi chưa ghi nhận một cuộc đình công nào trong 9 tháng đầu năm 2023. Song có tới 7.560 lao động bị chấm dứt hợp đồng, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Thị trường lao động chưa bền vững khi hàng loạt công nhân rời bỏ nhà máy về quê hoặc ra ngoài làm tự do khiến lực lượng phi chính thức tăng lên. Đáng chú ý, ngoài những DN khó khăn đơn hàng thực sự, không loại trừ một số nhà máy dựa vào lý do này cắt giảm lao động trên 35 tuổi để tuyển công nhân trẻ hơn vào dây chuyền.
Thực tế, kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu với nhóm lao động trực tiếp đã được đề cập nhiều lần, nhất là vào mỗi lần sửa đổi chính sách liên quan đến lao động, BHXH. Hồi tháng 5, khi góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các hiệp hội DN đề xuất cho lao động nam được về hưu sớm ở 60 tuổi, nữ 55.
Mới đây, cử tri một số địa phương cũng đã gửi kiến nghị đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét giảm tuổi nghỉ hưu cho các công nhân lao động trực tiếp tại các khu công nghiệp, làm các công việc nặng nhọc, độc hại, giáo viên mầm non... nhằm hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần.
Chủ đề: Áp lực kéo dài tuổi nghỉ hưu