Nhiều con số được Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu trước Quốc hội: 11 triệu người đã nhận 4.300 tỷ từ quỹ bảo hiểm lao động, 52.000 người bị tạm dừng việc đã được hỗ trợ.
Sáng 25/7, báo cáo trước Quốc hội về việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, triển khai các gói hỗ trợ 62.000 tỷ và 26.000 tỷ tại phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khái quát, thời gian qua, trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức, tình hình an sinh xã hội nhìn chung được đảm bảo, các chính sách triển khai tương đối hiệu quả.
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2021, nhất là từ khi đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4, từ 27/4 đến nay, dịch bệnh lan rộng ở mức độ toàn quốc, số ca nhiễm tăng mạnh, tạo áp lực lớn đến phát triển kinh tế.
Tỷ lệ thất nghiệp đã tới mức 2,52%. Khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề. Một số ngành đã ghi nhận sự suy giảm từ năm 2020 nay tiếp tục giảm sâu hơn, như khu vực du lịch, lữ hành giảm sâu tới 54,8%, vận tải giảm 0,7%. 70.000 doanh nghiệp đã phải rút khỏi thị trường.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, gói 26.000 tỷ hỗ trợ an sinh đã triển khai kịp thời, đúng đối tượng, dễ tiếp cận.
Bộ trưởng Lao động bày tỏ lo lắng đặc biệt với việc dịch bệnh đã tấn công vào thành trì quan trọng của nền kinh tế là khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực doanh nghiệp sử dụng nhiều người lao động, nơi đóng góp nhiều cho thu ngân sách, nơi tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu lao động. Bộ trưởng điểm lại các địa phương, Long An, Hải Phòng, Bình Dương… nơi sử dụng lực lượng lao động trực tiếp lớn đều bị ảnh hưởng nặng nề.
Một số khu công nghiệp phải tạm dừng hoạt động, tiêu biểu như Bắc Giang dừng cả 4 khu công nghiệp với 322 doanh nghiệp, 150.000 người lao động phải tạm thời dừng việc; Bắc Ninh cũng có 42.000 người thuộc diện này. Ngoài ra, nhiều địa phương phải phong tỏa, giãn cách từng khu vực hoặc toàn bộ địa bàn, làm ảnh hưởng lớn đời sống của hàng chục triệu người.
Với tinh thần phải đảm bảo an sinh, đời sống người dân, duy trì sản xuất, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, Chính phủ đã thống nhất chỉ đạo, chấp nhận hi sinh một phần tăng trưởng, tổ chức sản xuất "3 tại chỗ".
Từ đó, cơ quan điều hành ở Trung ương đã chỉ đạo ban hành nhiều chính sách như giảm giá điện nước, giảm một số khoản phí, lệ phí, hỗ trợ người dân, người lao động và chủ sử dụng lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cập nhật thông tin, đến nay, theo báo cáo giám sát của UB kinh tế của Quốc hội, cả nước đã hỗ trợ 168,8 nghìn tỷ đồng với các đối tượng. Riêng việc thực hiện Nghị quyết 42, gói 62.000 tỷ triển khai trong điều kiện chưa có tiền lệ, trong thời gian gấp gáp. Tuy kết quả sau cùng chưa được như mong muốn nhưng theo Bộ trưởng, cả nước đã hỗ trợ được cho 14,4 triệu người thụ thưởng bằng các chính sách khác nhau, trong đó có 13.000 tỷ tiền mặt đã chi.
Cơ quan chức năng đã đề xuất để sớm tổng kết việc thực hiện gói 62.000 tỷ, đề xuất giải pháp chính sách thực hiện tiếp theo.
Trình bày về chính sách áp dụng hiện nay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Chính phủ đã sớm chỉ đạo Bộ Lao động tham mưu xây dựng để kịp thời ban hành Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng. Việc triển khai thực hiện đến nay, sau 15 ngày cho thấy, việc ban hành 12 chính sách hỗ trợ là đúng, trúng đối tượng, thông thoáng về thủ tục hồ sơ. Cụ thể, các quy định đã giảm 2/3 thủ tục, 2/3 thời gian so với Nghị quyết 42, các đối tượng đã tiếp cận chính sách một cách thông thoáng, dễ dàng hơn nhiều.
Bộ trưởng dẫn chứng, có những chính sách thậm chí còn không yêu cầu người lao động, sử dụng lao động cung cấp hồ sơ khi cơ quan chức năng đã có dữ liệu quản lý.
Phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Quốc hội sáng 25/7.
Cụ thể, qua 15 ngày triển khai Nghị quyết 68, Quyết định 23, 63/63 địa phương đã ban hành kế hoạch chủ trương, triển khai giải pháp.
Tính đến ngày hôm qua, 24/7, nhóm chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, bệnh nghề nghiệp đã thực hiện với 375.000 đơn vị sử dụng lao động, với số tiền 4.300 tỷ đồng và 11 triệu người thụ hưởng. Như vậy, nhóm chính sách này đã hoàn thành mục tiêu trong thời gian ngắn.
Nhóm chính sách khác, nhà nước đã hỗ trợ kịp thời tiền ăn cho tất cả những người lao động là F0 phải điều trị, những F1 phải cách ly tập trung.
Ngoài ra, 52.000 người bị tạm dừng lao động, dừng việc không hưởng lương đã được hỗ trợ. 5.500 hộ sản xuất kinh doanh cũng đã được nhận tiền. Ngân hàng nhà nước đã thực hiện tái cấp vốn cho các đối tượng. Trong một tuần, 62 hồ sơ được giải quyết, giải ngân 50,4 tỷ đồng, hỗ trợ được 13.577 lao động. Con số này, theo Bộ trưởng Lao động, đã gấp 10 lần so với số thực hiện trong gói 62.000 tỷ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng báo cáo thêm việc thực hiện Nghị quyết 134 Quốc hội về hỗ trợ TCty Hàng không. Theo báo cáo sáng nay của Ngân hàng nhà nước, ngân hàng đã ký 4000 tỷ đồng tái cấp vốn cho doanh nghiệp, đã thống nhất bước đầu 2000 tỷ và giải ngân được 600 tỷ trong số này, 1.400 tỷ sang tuần sẽ giải ngân nốt.
Về chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng, tức nhóm lao động tự do, đối tượng được xác định là bị ảnh hưởng sớm nhất, sâu nhất vì dịch bệnh nhưng cũng là khu vực khó triển khai chính sách nhất, theo Bộ trưởng, Chính phủ đã chỉ đạo để thực hiện linh hoạt, phân quyền mạnh cho địa phương để cơ sở giải quyết thật nhanh. Theo đó, riêng với nhóm người bán vé số, từ Đã Nẵng đến Cà Mau, hàng trăm nghìn người đến nay đã nhận được tiền hỗ trợ.
Chính phủ cũng ghi nhận TPHCM và nhiều địa phương đã ban hành, thường xuyên cập nhật số lượng, biến động ở nhóm lao động tự do để có hỗ trợ phù hợp. Trong điều kiện giãn cách xã hội toàn thành phố, chỉ trong 15 ngày, các cơ quan chức năng đã đến từng nhà, gặp gỡ từng đối tượng. Với việc làm sát sao như vậy, 284.465 lao động tự do, tương đương 100% đối tượng được hưởng chính sách tại TPHCM đã được giải ngân với hơn 426 tỷ đồng.
Bộ trưởng thông tin, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động, Văn phòng Chính phủ cập nhật từng ngày, từng đối tượng được hỗ trợ công khai trên cổng thông tin dịch vụ quốc gia.
"Như vậy, Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đang triển khai đúng hướng, thiết thực. Các đối tượng đã dễ dàng tiếp cận chính sách hơn" - Bộ trưởng Bộ Lao động khái quát.
Thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các cơ quan để điều chỉnh, bổ sung chính sách mới cho kịp thời, sát thực tế đời sống, với phương châm "càng khó khăn càng phải quan tâm phúc lợi xã hội", "không hi sinh tiến bộ, công bằng xã hội xã hội để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần" như Tổng Bí thư đã chỉ đạo.
Bộ trưởng cũng nhắc tới Nghị định 75 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành hôm qua về chính sách chăm lo đối tượng người có công, gia đình chính sách. Trong tháng 7 "về nguồn" năm nay, các cơ quan nhà nước đã trao quà tới 1 triệu người có công, gia đình chính sách.
Ưu tiên chính sách khác của Bộ Lao động là hoàn thiện và triển khai ngay các nội dung của Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh con người như Quốc hội đang xem xét.
Thái Anh - Thế Kha