Thông điệp cứng rắn
Nước Mỹ sai lầm và đang sửa sai bằng cách tiếp tục đẩy nhanh quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ, nâng lãi suất và rút tiền về để chống lạm phát. Thông điệp “không quay xe” được chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đưa ra trong bài phát biểu trong hội nghị ngân hàng trung ương các nước tại Jackson Hole (Mỹ).
Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất để kìm hãm lạm phát vốn đang ở vùng đỉnh 4 thập kỷ qua, theo cách có thể gây ra “một số nỗi đau” cho nền kinh tế Mỹ.
Tính từ đầu năm, Fed đã 4 lần tăng lãi suất.
Trong cuộc họp ngày 27/7 vừa qua, Fed đã tăng lãi suấ thêm 75 điểm phần trăm, đưa lãi suất cho vay qua đêm (Fed fund rate) lên 2,25%-2,5%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 12/2018. Mức tăng 75 điểm cũng là động thái cứng rắn nhất của Fed kể từ đầu thập niên 90.
Trước đó, trong cuộc họp ngày 15/6, Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm từ mức 0,75-1% lên mức 1,5-1,75% sau đợt tăng 25 điểm trong tháng 3 và 50 điểm trong tháng 5.
Cổ phiếu Mỹ lao dốc sau phát biểu của chủ tịch Fed Jerome Powell. (Ảnh: CNBC)
Gần đây, giới đầu tư kỳ vọng Fed sẽ nhẹ tay hơn sau khi lạm phát giảm từ đỉnh 41 năm ở mức 9,1% trong tháng 6 xuống mức 8,5% trong tháng 7. Thị trường phản ánh kỳ vọng Fed sẽ sớm quay đầu trở lại với chính sách nới lỏng ngay trong năm sau khi mà kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy thoái với hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.
Tuy nhiên, phát biểu của người đàn ông quyền lực nhất trên thị trường tài chính thế giới Jerome Powell tại Jackson Hole vào đêm qua (26/8 giờ Việt Nam) cho thấy Fed sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ cứng rắn.
Theo ông Jerome Powell, với 4 đợt nâng lãi suất liên tiếp vừa qua, với tổng cộng 225 điểm phần trăm, vẫn chưa phải là lúc để Fed ngừng nâng mặc dù lãi suất chuẩn có lẽ đã ở quanh phạm vi trung lập, tức không kích thích nhưng cũng không kìm hãm tăng trưởng.
Ông Jerome Powell cũng thông báo việc tăng lãi suất lên mức cao hơn sẽ kéo tăng trưởng chậm hơn, thị trường lao động suy yếu và sẽ mang đến “một số đau đớn cho hộ gia đình và doanh nghiệp”. Tuy nhiên, theo ông, việc không thể khôi phục sự ổn định về giá cả còn gây ra nỗi đau lớn hơn nhiều.
Bài phát biểu của ông Powell đã được chuẩn bị từ trước, cho nên, đây là quan điểm của Fed và cơ quan này biết rõ về cái giá của việc kìm hãm lạm phát.
Các số liệu cho thấy, lạm phát Mỹ có thể đã đạt đỉnh trong tháng 6 vừa qua nhưng chưa có tín hiệu giảm đáng kể. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) không thay đổi đáng kể trong tháng 7.
Trong khi đó, thế giới, đặc biệt châu Âu đang vật lộn với lạm phát.
Lạm phát tại nước Anh đã vượt ngưỡng 10% trong tháng 7 (mức cao nhất 40 năm) và đẩy người dân nước này chìm trong khủng hoảng sinh hoạt phí chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, con số này chưa dừng lại và được dự báo sẽ lên gần 20% vào đầu năm 2023 khi trần giá năng lượng ở Anh bắt buộc phải được nâng lên.
Cái đích của Mỹ và nhiều nước là đưa lạm phát mục tiêu về mức 2%. Đây là một khoảng cách khá xa và tất nhiên sẽ cần một khoảng thời gian dài để làm việc này. Nó cũng đồng nghĩa với việc Fed cần phải duy trì lập trường chính sách theo hướng kìm hãm kéo dài.
Thị trường tài chính rúng động
Thị trường tài chính thế giới ngay lập tức phản ứng mạnh với những tuyên bố cứng rắn của ông chủ Fed.
Thị trường chứng khoán Mỹ tụt giảm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất hơn 1.000 điểm (giảm hơn 3%) và giá cổ phiếu giảm tuần thứ 2 liên tiếp. Chỉ số tầm rộng S&P 500 giảm gần 3,4%, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm hơn 3,9%.
Chủ tịch Fed Jerome Powell.
Trên CNBC, theo LPL Financial, lập trường của ông chủ Fed là rõ ràng: chống lại lạm phát quan trọng hơn là hỗ trợ tăng trưởng.
Nền kinh tế Mỹ dù suy giảm hai quý liên tục nhưng về cơ bản các tín hiệu vẫn khá tích cực. Thị trường lao động vẫn rất tốt.
Giá vàng trên thế giới tụt giảm xuống dưới ngưỡng 1.740 USD/ounce, trong khi đồng USD và lợi tức trái phiếu Mỹ tăng vọt.
Chuyên gia đến từ Horizon Investments cho rằng, với tình hình này, các thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh trong thời gian tới.
Theo CNBC, Wolfe Research, lời phát biểu của ông Powell cứng rắn hơn so với dự báo của thị trường và nó sẽ ảnh hưởng xấu tới thị trường cổ phiếu.
Hiện thị trường chờ những tín hiệu tiếp theo về mức tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 của Fed. Ông Powell cũng cho biết cường độ nâng lãi suất “sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào dữ liệu sắp tới và triển vọng kinh tế ra sao”.
Chủ tịch Fed cho biết, việc Fed không hành động một cách quyết liệt trong thập niên 70 đã tạo ra vòng lẩn quẩn về kỳ vọng lạm phát và dẫn tới các đợt nâng lãi suất mạnh vào đầu thập niên 80. Khi đó, nền kinh tế Mỹ buộc phải rơi vào suy thoái để kéo lạm phát xuống.
Như vậy, chủ trương của Fed đã rõ ràng. Cơ quan này sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt cho dù các doanh nghiệp và hộ gia đình Mỹ phải chấp nhận "đau thương". Điều này cũng đồng nghĩa với việc thị trường chứng khoán có thể giảm mạnh.
Lập trường của ông Powell không có nhiều bất ngờ. Fed sẽ làm “tới cùng” để chống lạm phát. Tuy nhiên, tất cả sẽ phụ thuộc vào tín hiệu của nền kinh tế Mỹ. Do vậy, mức tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 9 tới là 75 điểm phần trăm hay 50 điểm phần trăm vẫn chưa thể xác định.
Đây cũng là xu hướng chung của các nước. Tất cả đều thận trọng tối đa với lạm phát. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho tới thời điểm này cũng chưa nới room tín dụng cho các ngân hàng cho dù lạm phát ở mức thấp. Đây là xu hướng mà hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới đều không mong muốn. Biến động giá cổ phiếu còn tiếp tục diễn biến khó lường.
M. Hà