Công ty làm bộ sách giáo khoa Cánh Diều đang lỗ chuyển sang lãi lớn ngay sau khi làm bộ sách. Đáng chú ý, những cổ đông sáng lập công ty sách này lại có mối liên quan đến Nhà xuất bản Giáo dục.
Theo Báo cáo tài chính năm 2022 của CTCP Đầu tư Xuất bản và Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC), tổng doanh thu của doanh nghiệp là hơn 615,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 46 tỷ đồng.
Cơ cấu doanh thu của VEPIC trong năm 2022 ghi nhận chủ yếu đến từ hoạt động bán sách, chiếm gần 98% tổng doanh thu của công ty.
Trước khi làm sách giáo khoa Cánh Diều, kết quả kinh doanh của VEPIC kém khả quan. Năm 2017, công ty lỗ hơn 1,8 tỷ đồng. Năm 2018 doanh nghiệp ghi nhận số lỗ hơn 10,3 tỷ đồng. Một năm sau, số lỗ tiếp tục tăng lên 14,4 tỷ đồng.
Doanh thu của các năm này cũng rất thấp, từ 2017-2019 ghi nhận chỉ vỏn vẹn 4-6 tỷ đồng mỗi năm.
Như vậy, so với giai đoạn 2017-2019 thì năm 2022, doanh thu của VEPIC đã tăng tới 100 lần. Năm 2020 đánh dấu bước ngoặt lớn trong kết quả kinh doanh của VEPIC, chỉ sau thời gian rất ngắn doanh nghiệp tham gia làm sách giáo khoa Cánh Diều.
Sách giáo khoa Cánh diều đem lại doanh thu lớn cho VEPIC.
Thông tin từ Hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia cho thấy, VEPIC được thành lập ngày 27/7/2016, vốn điều lệ là 34,5 tỷ đồng.
“Soi” kỹ quá trình thành lập của công ty thì thấy nhiều điểm đặc biệt. Người đại diện theo pháp luật và cũng là chủ tịch HĐQT của công ty thời điểm đó là ông Lê Thành Anh. Người này trùng tên với một lãnh đạo của Nhà xuất bản Giáo dục.
Cơ cấu cổ đông ban đầu của VEPIC gồm 3 cổ đông tổ chức chính là: CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam (SED) nắm 34,72% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng (DAD) nắm 17,36% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội (EID) nắm 34,72% vốn điều lệ. Tổng 3 đơn vị trên nắm giữ 86,8% vốn điều lệ của VEPIC lúc mới thành lập, còn lại là một số cá nhân khác.
Đáng chú ý là, trong bản Công bố thông tin của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đến năm 2020, đây vẫn là 3 công ty liên kết của nhà xuất bản này. Năm 2020, hai bên vẫn giao dịch hàng hóa và dịch vụ với số tiền 33,8 tỷ đồng với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam; 13,4 tỷ đồng với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng; 53,5 tỷ đồng với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội.
Sau khi thành lập không lâu, công ty VEPIC tăng vốn điều lệ lên hơn 108 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật của công ty cũng thay đổi từ ông Lê Thành Anh sang ông Ngô Trần Ái, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc NXB Giáo Dục Việt Nam.
Ông Ngô Trần Ái từng giữ chức vụ Tổng giám đốc của NXB Giáo dục Việt Nam từ tháng 7/2003 đến tháng 6/2014, Chủ tịch Hội đồng Thành viên NXB Giáo dục Việt Nam từ tháng 7/2003 đến tháng 3/2015, cố vấn cao cấp Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc, Trưởng Ban chỉ đạo làm sách giáo khoa mới NXB Giáo dục Việt Nam từ tháng 4/2015 đến tháng 12/2016.
Kinh nghiệm của ông Ái có thể là một trong những lý do góp phần giúp công ty này biên soạn và phát hành bộ sách giáo khoa Cánh Diều, chấm dứt thế độc quyền sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục.
Tháng 4/2017, Nghị quyết HĐQT của VEPIC tiếp tục thông qua việc giảm 50% vốn góp của 3 công ty nói trên để điều phối lại vốn góp của các cổ đông. Thời gian hoàn thành trong tháng 4/2017.
Sau đó, các cổ đông là những công ty liên kết của Nhà xuất bản Giáo dục không còn nắm quyền chi phối tại công ty VEPIC.
Thuyết minh báo cáo tài chính năm 2022 của VEPIC cho thấy cơ cấu cổ đông gồm nhiều nhà đầu tư cá nhân: ông Nguyễn Việt Phương nắm 5,52%; ông Phạm Thanh Nam nắm 12,3%; ông Ngô Trần Nha Thy nắm 4,12%; bà Đoàn Phùng Thuý Liên nắm 17,1%; ông Lê Thanh Sơn nắm 11,96%; ông Ngô Đoàn Trọng Nghĩa nắm 17,76%; các cổ đông khác nắm 31,24%.
Ông Ngô Trần Ái đang giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VEPIC. Trong số những lãnh đạo khác của công ty này cũng có nhiều người xuất thân từ Nhà xuất bản Giáo dục.
Đang lỗ thành lãi, doanh thu tăng trăm lần nhờ bộ SGK Cánh DiềuCông ty làm bộ sách giáo khoa Cánh Diều đang lỗ chuyển sang lãi lớn ngay sau khi làm bộ sách giáo khoa này.
Bình luận