Khi hai cha con vừa đến cửa trung tâm, một điều dưỡng đã đứng chờ sẵn đón chiếc túi đồ cá nhân, dìu cụ Phức vào khu vực kiểm tra sức khỏe. Sau bữa ăn phụ, cụ và hơn chục người khác bắt đầu bài thể dục buổi sáng.
"Tôi giờ chẳng khác gì trẻ con đi học bán trú", cụ Phức nói về lịch trình hàng ngày của mình. Mỗi sáng, cụ được con trai đưa đến trung tâm chăm sóc dành cho người cao tuổi ở tại quận Bắc Từ Liêm, chiều tối đón về. Thứ 7, chủ nhật cụ ở nhà cùng con cháu.
Cụ ông 94 tuổi sống cùng vợ chồng con trai tại một chung cư ở quận Bắc Từ Liêm. Từ ngày vợ mất cách đây 7 năm, sức khỏe yếu dần cụ ngại ra ngoài. Cả ngày cụ chỉ quanh quẩn từ giường ra phòng khách, trưa tự hâm nóng thức ăn trong tủ lạnh ăn một mình bởi con cháu đều đi học, đi làm.
Cuối năm ngoái, cụ Phức ngất xỉu lúc đang ở nhà một mình. Người con trai biết không thể để bố ở nhà một mình nữa. Anh cũng không muốn đưa bố vào viện dưỡng lão toàn thời gian nên tìm đến trung tâm chăm sóc sức khỏe bán trú cho người cao tuổi. Đề xuất này được cụ ông đồng ý vì muốn con an tâm đi làm, bản thân được hòa nhập cộng đồng.
"Ở đây có đông bạn già nên vui lắm, ngày nào không đến lớp tôi lại thấy nhớ. Gần nửa năm nay tôi không còn cảnh thèm nói chuyện, cả ngày chỉ ngóng con cháu sớm về nhà", cụ Phức nói.
Cụ ông Đặng Hanh Phức, 94 tuổi, tại trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày cho người cao tuổi ở quận Bắc Từ Liêm, sáng 24/4. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Một trong những bạn già của cụ Phức là ông Cù Việt Cường, 73 tuổi. Ông Cường mắc bệnh Parkinson (chứng rối loạn vận động) sau tai nạn giao thông. Ông đăng ký vào trung tâm để không thành gánh nặng của vợ, dành thời gian cho bà quán xuyến việc nhà.
Từ ngày "đi lớp", ông Cường nói khỏe hơn khi được các điều dưỡng viên xoa bóp, bấm huyệt khiến tình trạng gù vẹo cột sống thuyên giảm, chân tay không còn run, đi lại dễ dàng. Thi thoảng vợ ông cũng đến trung tâm tham gia các hoạt động.
Một học viên khác của trung tâm, bà Lê Thị Lan, 77 tuổi, ở quận Ba Đình, cho biết đi học rồi mới thấy vui bởi được vận động, đọc sách và tham gia các buổi ngoại khóa. "Tôi có cảm giác như trẻ lại, sức khỏe khác hẳn thời cả ngày lủi thủi một mình làm bạn với TV", bà nói.
Người cao tuổi tham gia buổi vận động thể chất tại trung tâm chăm sóc sức khỏe ở quận Bắc Từ Liêm, sáng 24/4. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Khoảng 10 năm gần đây, người cao tuổi ở Việt Nam tìm đến viện dưỡng lão có xu hướng tăng nhanh bởi mức sống, thu nhập của người dân được cải thiện và tốc độ già hóa dân số nhanh.
Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người cao tuổi, chiếm 12% dân số. Dự báo đến năm 2030 số người cao tuổi chiếm 17% và tăng lên 25% vào năm 2050. Đặc biệt, số người già sống một mình hoặc cùng với vợ/chồng tăng từ 18,3% (năm 2009) lên 27,8% (năm 2019), theo Tổng cục Thống kê.
Điều này cho thấy nhu cầu về nhà dưỡng lão, trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ngày càng lớn. Số liệu của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết cả nước có 46 cơ sở chăm sóc người cao tuổi.
Nắm bắt được thực tế này, một số đơn vị đã mở ra dịch vụ viện dưỡng lão bán trú. Chị Nguyễn Thị Kim Thanh, Tổng giám đốc một công ty chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại quận Bắc Từ Liêm, cho biết đơn vị bắt đầu triển khai dịch vụ bán trú từ tháng 4/2022. Mô hình này khá phổ biến ở Nhật Bản, châu Âu nhưng còn mới lạ tại Việt Nam.
Dịch vụ nhắm đến khách hàng là người trên 70 tuổi, không gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, cần duy trì luyện tập đều đặn và đặc biệt là thiếu vắng người chăm sóc, bầu bạn, tâm sự khi con cháu đi làm, hàng xóm ít giao tiếp. "Tôi muốn xây dựng một mô hình chăm sóc dự phòng, để các cụ được hưởng tuổi già mạnh khỏe, tự tin và hạnh phúc", chị Thanh giải thích.
Trung tâm của chị Thanh xây dựng trên diện tích 800 m2 gồm các phòng vận động thể chất, massage, bấm huyệt, thư viện hay không gian sinh hoạt chung. Mọi hoạt động của người cao tuổi được các điều dưỡng hỗ trợ. Thực đơn mỗi ngày gồm một bữa chính, hai bữa phụ. Suất ăn đều kèm bảng tên của từng học viên, bởi mỗi cụ lại có sở thích, yêu cầu khác nhau.
Ngoài chăm lo thể chất, trung tâm cũng thường tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, đưa các cụ đi dã ngoại, xem múa rối nước, nghe hát chầu văn. Tuần một lần có buổi tham vấn tâm lý, giúp người cao tuổi được chia sẻ tâm tư, tình cảm, không để tình trạng phiền muộn kéo dài.
Một buổi trà chiều của người cao tuổi tại trung tâm. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Từ 5-6 học viên ban đầu, sau một năm trung tâm đã được khoảng 30 gia đình đăng ký cho bố mẹ đến lớp cố định. Các gia đình có thể đưa bố mẹ đến hoặc sử dụng dịch vụ đưa đón tận nhà.
Học phí ở trung tâm của chị Thanh dao động 500.000-600.000 đồng một ngày, tùy gói đăng ký. So với mặt bằng chung, mức giá này cao hơn. "Tuy nhiên, sau khi trực tiếp trải nghiệm dịch vụ, hầu hết các gia đình đều ưng ý và quyết định lựa chọn lâu dài, có người đóng liền 6 tháng học phí cho bố mẹ", chị Thanh cho biết.
Từng chia sẻ nỗi lo khi thấy chi phí cao, nhưng bà Lê Thị Lan được con trai trấn an rằng "mẹ cứ thoải mái vì so với những gì mẹ đã hy sinh cho chúng con, số tiền đó chẳng đáng gì".
Hơn 5 tháng đi học bán trú, cụ Phức nói sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái khi được các điều dưỡng viên quan tâm, có cơ hội trò chuyện cùng bạn bè. Bản thân cũng liên tục thưởng thức những món ăn ngon mà trước giờ chưa từng thử.
Theo tìm hiểu của VnExpress, nhiều viện dưỡng lão ở các tỉnh, thành phố lớn thời gian qua cũng mở thêm dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ban ngày (bán trú) song song với dịch vụ nội trú đã có từ nhiều năm. Theo chia sẻ của đại diện một viện dưỡng lão ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), do loại hình mới nên số lượng người sử dụng dịch vụ chưa đông.
Trong thời gian tới khi nhu cầu tìm đến các trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày tăng, chị Thanh mong muốn sẽ nhân rộng mô hình tại tất cả quận, để người cao tuổi thuận tiện di chuyển.
"Tôi hy vọng không chỉ người trẻ mà ngay cả người cao tuổi cũng được hưởng chế độ, dịch vụ tốt nhất. Mong các cụ được tận hưởng niềm vui thay vì chỉ sống qua ngày", chị nói.
Một số hoạt động tại trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày ở quận Bắc Từ Liêm.Quỳnh Nguyễn