Dự án thép ở Nam Định ‘không có yếu tố nhạy cảm về môi trường’
Duy Hưng
20:22 22/10/2023
Dự án thép vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường nằm trong Tổ hợp 3 dự án sản xuất thép tại Nam Định, vốn đầu tư gần 100.000 tỷ đồng của nhà đầu tư Tập đoàn Xuân Thiện.
Thông tin tới Đại Đoàn Kết Online, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, UBND tỉnh đã nhận được quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng” của Bộ TN-MT.
“Nhập khẩu thép phế liệu không quá 80%”
Như Đại Đoàn Kết Online đã thông tin, Nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng là một trong 3 dự án thuộc Tổ hợp dự án sản xuất thép, được chính quyền tỉnh Nam Định, Tập đoàn Xuân Thiện triển khai các bước trong quy trình đầu tư thời gian qua tại khu vực bãi bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng (khu vực Cồn Xanh), tổng vốn đăng ký đầu tư 98.900 tỷ đồng, bao gồm:
Dự án Nhà máy thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng (xây dựng trên diện tích 83,93 ha, thuộc địa bàn xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, công suất 2 triệu tấn/năm, chủ đầu tư Công ty Cổ Phần Xuân Thiện Nghĩa Hưng).
Dự án Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định (xây dựng trên diện tích 284,97 ha, công suất 7,5 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 88.000 tỷ đồng).
Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định (đã khởi công, xây dựng trên diện tích 56,8 ha, tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng, công suất sản xuất 350.000 tấn/năm).
Mô hình Tổ hợp dự án sản xuất thép củaTập đoàn Xuân Thiện tạiNam Định.
Theo văn bản quyết định phê duyệt kết quả thẩm định của Bộ TN-MT (dài 18 trang), phần các nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường (BVMT) của Dự án Nhà máy thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng, cho biết, phạm vi đánh giá tác động môi trường được phê duyệt tại quyết định không bao gồm hoạt động khai thác vật liệu san lấp và hoạt động sản xuất bê tông xây dựng.
Dự án có công suất 2 triệu tấn/năm gồm sản xuất thép thanh với công suất 1.000.000 tấn/năm và thép dây với công suất 1.000.000 tấn/năm, với quy trình luyện cán thép: Thép phế liệu, gang thỏi → Tuyển, cắt, phân loại và phối liệu → Nạp thép phế liệu → Lò điện hồ quang → Lò tinh luyện LF → Lò khử khí chân không → Đúc liên tục → Gia nhiệt phôi → Cán thép.
Nguyên liệu sản xuất, gồm: Thép phế liệu, sắt xốp, gang thỏi, sản phẩm chứa sắt được thu mua trong nước và nhập khẩu, trong đó: mã phế liệu nhập khẩu: HS 7204-49-00 theo Quyết định số 13/2023/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
Dự kiến nhập khẩu thép phế liệu không quá 80% (khoảng 1.556.708 tấn/năm) và thu mua trong nước không nhỏ hơn 20% (khoảng 389.177 tấn/năm).
Các hoạt động của Dự án gồm: Xây dựng, lắp đặt thiết bị và hoạt động vận hành sản xuất của lò luyện và các hoạt động của các công trình phụ trợ, các công trình BVMT của Dự án.
Đáng chú ý, quyết định cho biết, “Dự án không có yếu tố nhạy cảm về môi trường theo quy định tại khoản 4 Điều 25 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 1 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường”.
Tuy nhiên, quyết định cũng nêu ra các hạng mục công trình và hoạt động của dự án có khả năng tác động xấu đến môi trường trong giai đoạn thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị, giai đoạn vận hành.
Đồng thời dự báo các tác động môi trường chính, chất thải phát sinh trong các giai đoạn thực hiện Dự án; đưa ra các yêu cầu về công trình và biện pháp BVMT trong các giai đoạn thực hiện của Dự án.
“Công khai rộng rãi cho chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư”
Quyết định quy định rõ, chủ dự án có trách nhiệm tuân thủ và thực hiện các yêu cầu về BVMT, trong đó, chịu trách nhiệm đối với toàn bộ các thông tin trong nội dung báo cáo đánh giá tác động; công khai rộng rãi cho chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư biết về các hoạt động thi công của Dự án; tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý toàn bộ khối lượng chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh…
Chủ tịchUBND tỉnh Nam ĐịnhPhạm Đình Nghị đối thoại với người dân vùng dự án.
Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm kỹ thuật và các quy định pháp luật hiện hành trong quá trình thẩm định, phê duyệt thiết kế và xây dựng các hạng mục, công trình.
Sử dụng công nghệ, thiết bị sản xuất theo tiêu chuẩn các nước G7/Châu Âu (EU); công nghệ xử lý môi trường phải đảm bảo tiên tiến, hiện đại theo đúng cam kết.
Tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hiện hành có liên quan, đảm bảo các yêu cầu về an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công, xây dựng và vận hành.
Thực hiện các tiêu chí về môi trường trong sản xuất thép, hạn chế ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sinh thái theo đúng cam kết, đảm bảo khoảng cách ly an toàn từ Dự án đến khu dân cư.
Tuân thủ các yêu cầu về tiêu thoát nước, an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp, phòng chống cháy, nổ và các quy phạm kỹ thuật trong quá trình thực hiện Dự án.
Quản lý bùn thải từ hệ xử lý nước làm mát, từ hệ thống lắng, lọc nước mưa chảy tràn theo quy định của pháp luật.
Đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Một trong 3 dự án đã được khởi công.
Bộ cũng yêu cầu chủ đầu tư xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu sự cố môi trường trong suốt giai đoạn xây dựng và vận hành.
Hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục phải có camera theo dõi, được thử nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ, tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng và truyền dữ liệu trực tiếp về Sở TN-MT tỉnh Nam Định.
Phối hợp chặt chẽ với Sở TN-MT tỉnh Nam Định trong quá trình thực hiện Dự án và bảo đảm các yêu cầu về BVMT.
Thực hiện nghiêm túc chương trình giám sát môi trường và các công trình, biện pháp BVMT khác; cập nhật, lưu giữ số liệu giám sát để cơ quan quản lý nhà nước về BVMT kiểm tra khi cần thiết; đảm bảo tính chính xác và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các thông tin, số liệu và kết quả tính toán trong báo cáo.
Đảm bảo kinh phí để thực hiện các công trình, biện pháp BVMT và chương trình quan trắc, giám sát môi trường.
Đền bù những thiệt hại môi trường do Dự án gây ra theo Luật BVMT.
Chỉ được sử dụng loại than làm phụ gia (được phun vào lò hồ quang làm tăng nhiệt lượng) với hàm lượng lưu huỳnh trong than không được phép lớn hơn 0,75% đối với than cục và không được phép lớn hơn 0,5% đối với loại than khác; lượng than sử dụng không được vượt quá 25 kg/tấn kim loại lỏng.
Chủ động đề xuất điều chỉnh các công trình BVMT trong trường hợp các công trình này không đảm bảo công tác BVMT khi Dự án đi vào hoạt động.
Nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất đối với Dự án theo lộ trình và nghiên cứu thực hiện trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường được quy định tại Điều 53 và Điều 130 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Cuối cùng, quyết định nhấn mạnh chủ dự án “chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình hoạt động nếu phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường”.
Như Đại Đoàn Kết Online đã thông tin, để triển khai Tổ hợp dự án sản xuất thép vốn đầu tư gần 100.000 tỷ đồng trên của nhà đầu tư Tập đoàn Xuân Thiện, UBND tỉnh Nam Định đã ra quyết định thu hồi hơn 431 ha đất bãi bồi ở một số xã ven biển huyện Nghĩa Hưng vốn được chính quyền địa phương cho các hộ dân thuê để nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, quá trình GPMB nhiều hộ dân chưa đồng tình bàn giao đất, với một số lý do như không nhận được đền bù, lo ngại môi trường bị ô nhiễm, lo ngại mất sinh kế truyền thống…
Đến nay, mới chỉ có 1 trong 3 dự án được bàn giao mặt bằng (Dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định, diện tích 56,8 ha, đã khởi công).
Khu vực bãi bồi ven biển tỉnhNam Định thu hồi phục vụ dự án.
Nhằm tìm kiếm tiếng nói chung, chính quyền Nam Định đã 2 lần đối thoại trực tiếp với 400 hộ dân ở địa phương. Tại các cuộc đối thoại, đại diện chính quyền tỉnh khẳng định việc không đền bù cho các hộ dân là đúng pháp luật vì đất tỉnh thu hồi là đất công, được thu hồi sau khi hợp đồng cho thuê đất giữa chính quyền cơ sở và người dân đã hết hạn.
Mới đây nhất, vào ngày 29/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã họp bàn về công tác GPMB thực hiện các Dự án của Tập đoàn Xuân Thiện, ra Thông báo kết luận, trong đó nhấn mạnh “thống nhất quyết tâm chính trị” trong việc GPMB triển khai các Dự án này.
Chủ đề: nam định tác động môi trường BVMT Tập đoàn Xuân Thiện khu vực Cồn Xanh thép xanh Xuân Thiện