Giá điện luôn rập rình tăng. Ảnh:Hoàng Hy.
Bậc thấp nhất áp dụng cho hộ gia đình dùng dưới 100kWh, không còn bậc dành cho khách hàng dùng dưới 50kWh như hiện nay, và bậc cao nhất là từ 700 kWh trở lên.
Cụ thể, bậc 1 được tính bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân (1.920,37 đồng/ kWh từ ngày 4-5); bậc 2 bằng 108%, bậc 3 bằng 136%, bậc 4 bằng 162% và bậc 5 bằng 180%.
Như vậy, giá điện bậc 1 thấp nhất từ 1.728 đồng/kWh và cao nhất khoảng 3.457 đồng/kWh, chưa gồm thuế VAT.
Theo Bộ Công thương, việc cải tiến này sẽ làm thay đổi căn bản cơ cấu biểu giá bán lẻ điện so với trước nên sẽ tác động trực tiếp tới khách hàng. Trong đó, mức giá bán lẻ điện bình quân với nhóm sinh hoạt không thay đổi, nhưng sẽ có nhóm khách hàng được giảm tiền điện và ngược lại. Giá bán lẻ điện cho nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt gồm 5 bậc có mức giá tăng dần nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Theo dự thảo này, hộ nghèo theo tiêu chí về thu nhập do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Dự thảo cũng đề xuất phương án giá bán lẻ điện được quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện, bao gồm: sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt, trạm/trụ sạc xe điện và cơ sở lưu trú du lịch quy định tại Điều 48 Luật Du lịch năm 2017.
Giá bán lẻ điện theo các cấp điện áp gồm: cao áp trên 35 kV (bao gồm cấp điện áp từ trên 35 kV đến dưới 220 kV và cấp điện áp từ 220 kV trở lên), trung áp từ 1 kV đến 35 kV, hạ áp dưới 1 kV áp dụng cho các nhóm khách hàng sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, trạm/trụ sạc xe điện và cơ sở lưu trú du lịch;
Giá bán lẻ điện theo thời gian sử dụng điện trong ngày cho mục đích sản xuất, kinh doanh, cơ sở lưu trú du lịch, trạm/trụ sạc xe điện tại các cấp điện áp. Giá bán lẻ điện sinh hoạt dùng công tơ thẻ trả trước được áp dụng khi điều kiện kỹ thuật cho phép đối với nhóm khách hàng mua điện tạm thời và mua điện ngắn hạn sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt…
Sau khi được phê duyệt, Quyết định này sẽ thay thế Quyết định số 28 ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Trước khi đưa ra dự thảo, từ ngày 4/5 vừa qua giá bán lẻ điện bình quân đã tăng thêm 3%, lên mức 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Tại thời điểm đưa ra quyết định tăng giá điện hôm 4/5, ông Nguyễn Xuân Nam- Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được tính toán dựa trên các yếu tố gồm phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ … Khi điều chỉnh giá điện tăng 3% EVN dự kiến thu thêm hơn 8.000 tỷ đồng trong các tháng còn lại năm nay, giúp tập đoàn bớt khó khăn về tài chính.
Theo lãnh đạo EVN, để bù lỗ, tăng giá điện chỉ là một trong những giải pháp mà Tập đoàn thực hiện. Tập đoàn còn tiết giảm chi phí thường xuyên 15% (tăng 5% so với năm ngoái), giảm sửa chữa lớn 40%, hạ tiền lương, chi phí nhân công, huy động tối đa nguồn điện giá rẻ và đàm phán lại với các nhà cung ứng nhiên liệu (than, khí) để giảm chi phí đầu vào.
Chủ đề: dự kiến điện sinh hoạt giá bán lẻ