Hồn quê trong những sản vật đặc trưng

22/05/2023 10:07
Đâu chỉ có hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, cánh đồng, bờ đê, chợ phiên... mới gợi lên bao hồi ức, kỷ niệm trong tâm trí những đứa trẻ sinh ra từ làng về nơi 'chôn nhau cắt rốn'. Chính hương vị mộc mạc, dân dã của chiếc bánh lá, bánh răng bừa, xôi nếp, bánh đa, nước mắm, mắm cáy, lọ tương... cũng đủ khiến người ta bồi hồi, xao xuyến...

 

Hồn quê trong những sản vật đặc trưng

Từ những nguyên liệu quen thuộc, gần gũi với cuộc sống người dân lao động tạo nên sản vật đặc trưng, thấm đẫm hồn quê.Bánh lá Hà Lai - Dẻo thơm tình quê

Hà Lai là vùng đồng bằng chiêm trũng nằm ở phía đông nam huyện Hà Trung, bao đời chủ yếu lấy nông nghiệp làm chính. Hạt lúa, củ khoai, bắp ngô nuôi lớn ước mơ biết bao thế hệ người dân nơi đây. Để rồi, từ đôi bàn tay khéo léo, chăm chỉ, cần cù, người dân xã Hà Lai sáng tạo, biến hạt lúa, hạt gạo từ đồng đất quê hương thành món ăn thơm ngon, hấp dẫn, là sản phẩm OCOP tiêu biểu của Hà Trung. Theo thời gian, tên làng đã trở thành tên gọi chung cho sản vật quê hương, vừa thân thuộc, gần gũi vừa gợi nhớ, gợi thương: Bánh lá Hà Lai.

Chẳng ai biết món bánh lá này xuất hiện trên đất Hà Lai tự bao giờ, ai là người đầu tiên làm ra loại bánh thơm ngon ấy. Chỉ biết rằng, từ xưa, nhiều thế hệ người dân trên mảnh đất Hà Lai này đã biết làm bánh lá. Đây là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng gia tiên hay mỗi dịp lễ, tết. Bánh lá theo chân những người con xa quê đến mọi miền đất nước, mang theo hương vị quê nhà ấm áp yêu thương. Bố mẹ dạy cho con cái, thế hệ trước dạy cho thế hệ sau, bánh lá luôn hiện diện trong đời sống bình dị của người dân thôn quê chân chất, thật thà.

Bánh lá Hà Lai được chế biến từ những nguyên liệu quen thuộc như: gạo tẻ, thịt lợn, lá dong... Nguyên liệu được lựa chọn kỹ lưỡng, tươi sạch; cách làm không quá cầu kỳ, cốt sao ở sự khéo léo, chịu khó. Vỏ bánh làm từ gạo tẻ xay thành bột; nhân bánh làm từ thịt lợn băm nhỏ, béo ngậy mà không ngán. Từ các nguyên liệu đơn giản ấy, qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Hà Lai, những chiếc bánh lá nhỏ nhắn, gói gọn trong lá dong, sau khi hấp chín thì mềm thơm, hòa vị cùng chút nước mắm tạo nên sản vật độc đáo, hấp dẫn.

Là con gái của làng, lớn lên lập gia đình trên mảnh đất quê hương, tuổi thơ của chị Trịnh Thị Hà không thể thiếu hương thơm, vị dẻo ngon của món bánh lá Hà Lai. Chị Hà biết làm bánh lá từ khi còn trẻ. “Tuy nhiên, ngày ấy, bánh răng bừa chỉ được làm để phục vụ nhu cầu của gia đình, như một món ăn thông thường hoặc đem bán ở chợ quê như thức quà sáng. Chỉ có lác đác vài gia đình trong xã làm với số lượng lớn, nhập cho một số nhà hàng trên địa bàn tỉnh”, chị Trịnh Thị Hà cho biết.

Theo thời gian, khi nhận thấy sản phẩm bánh lá Hà Lai được nhiều người ưa chuộng, có người tìm tới tận nơi đặt hàng, chị Hà quyết tâm “khởi nghiệp” với nghề truyền thống quê hương. Lúc bấy giờ, chị chỉ nghĩ đơn giản: “Sao cứ phải loay hoay tìm kiếm việc này việc kia mà không phát huy những gì cha ông dày công vun đắp, trao truyền. Nhiều người theo đuổi nghề truyền thống của quê hương và thành công thì tại sao mình không thử quyết tâm”. Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, đến nay, chị Hà đã là chủ của cơ sở sản xuất bánh lá quy mô trong xã. Cơ sở sản xuất bánh lá Hà Lai của chị Hà giải quyết việc làm cho 6 - 8 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân mỗi lao động khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng, chủ yếu là chị em phụ nữ trung niên trong làng, xã. Những khi “cao điểm”, cơ sở sản xuất của gia đình chị Hà có khoảng 10 - 12 lao động. Thị trường được mở rộng ở nhiều khách sạn, nhà hàng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, kể từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, nhu cầu thị trường ngày càng tăng, đơn đặt hàng nhiều khi không đáp ứng kịp, quy mô nghề được mở rộng. “Với những người con sinh ra và lớn lên trên vùng đất Hà Lai như chúng tôi, việc gìn giữ và phát huy nghề truyền thống không chỉ vì giá trị kinh tế mà nghề mang lại. Đó còn là niềm tự hào, trân trọng đối với lịch sử - văn hóa cha ông, làng xã” - chị Hà chân thành chia sẻ.

Những sản vật trên “miền đất hai vua”

Ít nơi nào trên cả nước mà những sản vật quê hương lại có mối liên hệ với câu chuyện kể về cuộc đời và sự nghiệp, công đức của các vị vua gắn liền với dấu ấn vương triều như vùng đất Thọ Xuân.

Đó là khi hương vị dẻo thơm của bánh răng bừa Xuân Lập nhắc nhở các thế hệ cháu con nơi đây tưởng nhớ về vua Lê Đại Hành - người đích thân xuống ruộng cày bừa trong lễ hội đầu năm, luôn hết mực quan tâm phát triển nông nghiệp, chăm lo cuộc sống cho người dân. Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép lại: Vào đầu xuân năm 987, vua Lê Đại Hành làm lễ tịch điền, cày ruộng để khuyến khích dân chúng trồng trọt sản xuất. Sau đó, nhiều triều đại phong kiến Việt Nam xem đây là ngày lễ quan trọng, một trong những ngày hội chính của triều đình vào mùa xuân.

Ngoài bánh lá răng bừa, ở làng Trung Lập, xã Xuân Lập có sản vật độc đáo, hấp dẫn là bánh chưng nung. Trong bài viết “Văn hóa ẩm thực xứ Thanh”, tác giả Hoàng Minh Tường cho biết: “Không chỉ có đồng quà, tấm bánh phục vụ cho cuộc sống thường ngày, mà ngay trong các ngày lễ trọng, các sản phẩm làm từ lúa gạo, lúa nếp cũng được chọn lựa kỹ càng để làm bánh chưng, bánh giầy dâng cúng Thành hoàng và các vị thần linh. Tiêu biểu như loại bánh chưng nung ở làng Trung Lập (Thọ Xuân). Bánh chưng được gói to, sau đó bỏ vào chum để ủ bằng trấu. Sau nhiều ngày ủ trấu, bánh chưng dâng cúng đức vua Lê Hoàn này có vị thơm ngon đặc trưng, không giống các loại bánh chưng thông thường. Bánh mềm dẻo, béo và có hương vị rất thơm ngon. Sau lễ cúng, những người có may mắn mới được thụ lộc bánh chưng này”.

Thọ Xuân, “miền đất hai vua”, vùng đất di sản! Cái danh giá ấy không chỉ hiện diện trong những di tích lịch sử - văn hóa – tâm linh, danh lam thắng cảnh mà lắng đọng hương vị thơm ngon, độc đáo của sản vật quê hương, trong đó có những sản vật từng được lựa chọn để “tiến vua”. Giờ đây, trên hành trình phát triển, ẩm thực Thọ Xuân đã và đang có thêm nhiều sản phẩm tiêu biểu, ghi đậm dấu ấn với những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm OCOP. Nhưng món ăn bình dị, quen thuộc như: bánh gai Tứ Trụ, tương Xuân Phả, bưởi Luận Văn, bánh lá răng bừa Xuân Lập, nem nướng... đã là một phần cội nguồn lịch sử- văn hóa, không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây.

Bánh đa dừa Hoằng Phụ - Nhớ mãi một miền quê

Nếu vùng đất Hoằng Hóa được ví như “thủ phủ” dừa của xứ Thanh thì Hoằng Phụ với món bánh đa dừa chính là điểm nhấn độc đáo cho nét ẩm thực thôn quê ấy. Loại quả ngọt chẳng mang dáng vẻ thanh tao, chẳng “đưa mắt” người nhìn nhưng theo một cách rất dung dị, rất tình mà chạm vào ca dao, thơ, nhạc, họa: “Cây dừa xanh tỏa nhiều tàu/ Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng/ Thân dừa bạc phếch tháng năm/ Quả dừa - đàn lợn con nằm trên cao/ Đêm hè hoa nở cùng sao/ Tàu dừa- chiếc lược chải vào mây xanh/ Ai mang nước ngọt, nước lành/ Ai đeo bao hũ rượu quanh cổ dừa” (Cây dừa - Trần Đăng Khoa). Quả dừa cũng góp vào danh sách ẩm thực dân gian nhiều món ăn, cách ăn thú vị, giản đơn mà không kém phần hấp dẫn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Ngôn đặc tả hóm hỉnh: “Nước dừa tươi ngon, đảm bảo không gợn 1 chút tàn dư thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật. Nhà hàng làm uống không thú bằng người nhà quê. Dừa vừa chặt xuống, đẽo vát đít, khoét 1 lỗ hổng rồi bụm miệng vào uống. Nhìn không sang nhưng nó thú, đã vô cùng, ra cái chất dân dã của dừa (Văn hóa ẩm thực Thanh Hóa, NXB Thanh Hóa, 2021). Cùi dừa được dùng làm mứt những ngày Tết hay kho với thịt, tôm làm món ăn ngon trong mâm cơm gia đình. Các cụ xưa ăn cùi dừa với bánh đa mà nên câu ca lưu truyền: “Chồng đánh đà đáng bánh tráng cùi dừa/Chồng đánh không chừa cùi dừa bánh tráng”. Trên vùng đất Hoằng Hóa - “thủ phủ” dừa xứ Thanh, người dân vùng đất ven biển Hoằng Phụ không chỉ biết làm nước mắm đậm đà mà khéo léo làm nên món bánh đa dừa giòn tan, vị thơm, bùi.

Bánh đa dừa Hoằng Phụ.

Bánh đa dừa Hoằng Phụ được làm từ những nguyên liệu quen thuộc, gần gũi như: gạo tẻ, cùi dừa, lạc rang, vừng, đường kính hoặc đường phèn... Gạo xay thành bột nước có màu trắng mịn, sánh quyện sau đó trộn đều với hỗn hợp cùi - nước dừa xay nhỏ. Người dân phải chọn những quả dừa già, cùi dày, ngọt nước; tỷ lệ giữa bột gạo, cốt dừa, đường cũng phải điều chỉnh sao cho phù hợp mới có thể tạo nên chiếc bánh đa dừa đảm bảo độ thơm, béo, bùi. Sau khi sơ chế nguyên liệu, là công đoạn tráng bánh, cách thức tựa như đổ bột tráng bánh cuốn. Tuy nhiên, thay vì tráng một lớp mỏng thì bánh đa dừa Hoằng Phụ đổ hai lần bột giúp bánh có được độ dày nhất định, rải lên trên cùng lớp vừng, lạc rang. Bánh tròn, đều, đẹp hay không phụ thuộc vào đôi bàn tay khéo léo đổ bột của người làm bánh. Bánh tráng xong sẽ được xếp đều trên các mành tre, nứa, mang đi phơi dưới nắng nhiều ngày cho thật khô. Khi đã ướp đượm nắng, bánh tráng được nướng chín trên bếp than hoa. Đây cũng là một trong những công đoạn khó, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, kinh nghiệm của người làm. Hiện nay, dẫu không có nhiều hộ gia đình ở xã Hoằng Phụ làm loại bánh này nhưng hương vị giòn, thơm ấy vẫn theo vòng xoay mưu sinh đến với thực khách, lưu lại trong hồi ức, kỷ niệm những người con xa quê...

Vừa qua, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - Vietkings và Tổ chức Top Việt Nam (VietTop) công bố top 100 món ăn và đặc sản quà tặng Việt Nam. Trong đó, 4 đặc sản của Thanh Hóa nằm trong danh sách được tổ chức này công bố, gồm: Gỏi nhệch Nga Sơn, Bánh lá răng bừa, Nước mắm Ba Làng và Bưởi Luận Văn. Những món ăn đã trở thành “thương hiệu” ẩm thực của cả vùng đất mà chẳng cần gợi chút cầu kỳ, kiểu cách, xa hoa. Nhưng nếu đã một lần được thưởng thức, hẳn rằng, những đặc sản xứ Thanh ấy sẽ lưu lại cảm nhận, dấu ấn về phong vị ẩm thực xứ Thanh mà ở đó, mỗi vùng, miền lại góp một bản sắc rất riêng.

Theo Nguồn baomoi.com

Hồn quê trong những sản vật đặc trưng - Đời Sống