Lãi suất tăng nhanh, hết thời kỳ tiền rẻ

18/09/2022 19:08
Mặt bằng lãi suất được dự báo sẽ còn tiếp tục đi lên, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

 

'Mùa tiền rẻ' sẽ không trở lại trên thị trường liên ngân hàng 'Tiền rẻ' không còn trên thị trường liên ngân hàngTín dụng tăng gần 10%, trong khi huy động vốn chỉ tăng gần 4%. Bên cạnh đó, một lượng vốn không nhỏ của các ngân hàng đang “kẹt” trong nợ xấu, kể cả nợ cơ cấu lại, khiến các ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động để hút vốn.

Hầu hết các nhà băng đều vào "cuộc đua"

Đáng lưu ý, những “ông lớn” có lợi thế về tiền rẻ cũng đã tăng lãi suất huy động. Chẳng hạn, Vietcombank đã điều chỉnh tăng 0,1-0,2%/năm so với biểu lãi suất cũ. Hiện, kỳ hạn 12 tháng đang được ngân hàng này huy động ở mức 5,6%/năm. Đối với kỳ hạn 24 tháng – 60 tháng, lãi suất tăng từ 5,3%/năm lên 5,4%/năm.

Một số kỳ hạn ngắn cũng có sự điều chỉnh, trong đó lãi suất kỳ hạn 3 tháng tăng từ 3,3%/năm lên 3,4%/năm; kỳ hạn 2 tháng tăng từ 3% lên 3,1%/năm. Ngân hàng chỉ giữ nguyên lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng.

Lãi suất tăng nhanh, hết thời kỳ tiền rẻ

Mặt bằng lãi suất trở về trạng thái bình thường mới. (Ảnh minh hoạ: Int)

Đối với hình thức gửi trực tuyến, lãi suất tăng mạnh hơn. Hiện, lãi suất cao nhất là 5,8%/năm áp dụng với kỳ hạn 12 tháng, tăng 0,2 điểm % so với trước. Tương tự, lãi suất kỳ hạn 24 tháng tăng 0,2%/năm lên 5,6%/năm.

Ở kỳ hạn 6 tháng – 9 tháng khi gửi online, lãi suất tăng 0,1 điểm % lên 4,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng cũng tăng từ 3,5%/năm lên 3,6%/năm.

Trước đó, BIDV cũng đã có đợt tăng lãi suất từ tháng 6 và tiếp đó là Agribank trong tháng 7, mức điều chỉnh đều là 0,1%/năm ở các kỳ hạn dài.

Trong khi đó, các chuyên gia nhận định, mức độ biến động của lãi suất huy động thời gian tới phụ thuộc nhiều vào thanh khoản liên ngân hàng. Trong đó, thanh khoản nhiều khả năng chưa thể sớm dồi dào cho tới khi ghi nhận dòng vốn mới, hoặc các động thái của Ngân hàng Nhà nước (hoạt động trên thị trường mở, công cụ tỷ giá, công cụ lãi suất) hướng đến mục tiêu đảm bảo các cân đối vĩ mô.

Liên quan đến vấn đề lãi suất đang tăng lên thời gian qua, tại Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm” tổ chức ngày 13/9, TS. Trịnh Quang Anh, Chủ tịch Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) nhấn mạnh, bối cảnh thị trường, bối cảnh tiền tệ đang thay đổi rất nhanh.

“Nhiều người vẫn đang “mơ ngủ” về giai đoạn tiền rẻ, nhưng tình hình lại đang thay đổi quá nhanh. Trước đó, chúng ta không thể hình dung trong một thời gian rất ngắn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất lên đến ngưỡng 3,5%, và nếu thế lãi suất VND phải lên tới bao nhiêu?”, TS. Trịnh Quang Anh đặt vấn đề.

Theo Chủ tịch VIRA, trong bối cảnh các đồng tiền khác đang mất giá khủng khiếp, VND mới chỉ mất khoảng 3%. Và để có được điều này, Việt Nam phải đánh đổi bằng lãi suất cao hơn.

"Điều này có thể khiến một số người lo lắng, nhưng thật ra chúng ta đang trở về điều kiện bình thường mới và cần chấp nhận mặt bằng lãi suất trở về trạng thái bình thường mới", ông Quang Anh nêu góc nhìn.

Nguồn vốn sẽ ít hơn và lãi suất sẽ cao hơnTrước diễn biến của lãi suất tăng lên cũng như biến động của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng thời gian gần đây, các chuyên gia cho rằng không nên quá lo lắng khi vẫn còn “cửa thoát hiểm” đó là tiền ngân sách vẫn đang thặng dư khoảng 250 nghìn tỷ đồng và số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước trong hệ thống ngân hàng vẫn lên tới khoảng 800 nghìn tỷ đồng.Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần có các giải pháp để thúc đẩy dòng tiền này vào nền kinh tế, chẳng hạn như đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công..."Trong tương lai ngắn hạn, chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn với nguồn vốn ít hơn và lãi suất cao hơn", ông Quang Anh nhận định.

Về những diễn biến của thị trường tiền tệ những tháng gần đây, báo cáo công bố đầu tuần này của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) điểm lại: Có thể thấy rõ trong giai đoạn này, nền kinh tế ghi nhận thách thức ổn định vĩ mô khi áp lực tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt, lạm phát kỳ vọng ở mức cao trong dài hạn khiến nhà điều hành tiếp tục có động thái thận trọng.

Với ưu tiên chính sách hàng đầu là duy trì các yếu tố ổn định, bao gồm kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá), VCBS cho rằng Ngân hàng Nhà nước không thể quá mạnh tay trong việc duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào trên thị trường.

Mặc dù vậy, VCBS tin tưởng áp lực thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng chỉ diễn ra trong ngắn hạn, mà không phản ánh khả năng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh hoặc duy trì ở ngưỡng cao trong dài hạn.

Trong tháng 8, quan sát cho thấy lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh và mạnh vào cuối tháng, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu thanh khoản trước kỳ nghỉ lễ. Theo đó, với các điều kiện hiện nay, VCBS dự tính các thời điểm lãi suất liên ngân hàng tăng cao vượt lãi suất OMO sẽ diễn ra với tần suất cao hơn ít nhất cho tới khi các kỳ họp chính sách tiền tệ của Fed trong tháng 9 được hiện thực hoá.

Huyền Anh

Theo Nguồn vnbusiness.vn

Lãi suất tăng nhanh, hết thời kỳ tiền rẻ - Tài Chính