Theo Luật sư Trần Tuấn Anh, khi đã sai thẩm quyền ban hành thì văn bản không có hiệu lực. Chỉ Chính phủ được quyền sửa đổi, bổ sung, thay đổi nghị định.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng ký văn bản 333 đính chính Nghị định 35/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.
Cụ thể, do sơ suất kỹ thuật, văn bản đính chính từ "Bãi bỏ khoản 2 điều 5, khoản 2 điều 9" thành "bãi bỏ khoản 2 điều 9"...Việc Bộ Xây dựng dùng công văn đính chính Nghị định có đúng quy định?
Sửa Nghị định giữ quy định phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10ha thì chủ đầu tư dự án được lựa chọn hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội hoặc nộp tiền. (Ảnh: Nguyễn Lê)
Trao đổi với PV VietNamNet, Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho biết, về mặt chủ thể, Bộ Xây dựng là cơ quan quản lý về mặt xây dựng. Bộ Xây dựng không có thẩm quyền ban hành Nghị định; chỉ có quyền ban hành Thông tư hoặc phối hợp ban hành Thông tư liên tịch.
Thẩm quyền của Chính phủ ban hành Nghị định.
“Do vậy, không thể có chuyện Bộ Xây dựng dùng một văn bản để có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính với một văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ được. Điều này sai cơ bản về mặt chủ thể”, ông Tuấn Anh nói.
Cũng theo vị luật sư này, luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật giao cho mỗi chủ thể được thực hiện ban hành một văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.
“Nghị định chỉ có Chính phủ ban hành và chỉ Chính phủ được quyền sửa đổi, bổ sung, thay đổi. Các bộ không có thẩm quyền ban hành và không thể sử dụng công văn để đính chính Nghị định.“Thẩm quyền của Chính phủ, nên Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng không thể thừa ủy quyền của Thủ tướng để ký văn bản 333 đính chính Nghị định 35. Không phù hợp với luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Luật sư Tuấn Anh nhấn mạnh.
Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch cho rằng, Bộ Tư pháp là cơ quan rà soát việc ban hành văn bản pháp luật của cả nước. Do đó, Bộ Tư pháp có thể “tuýt còi” ngay việc ban hành văn bản 333 này.
Bởi theo luật sư Tuấn Anh, khi đã sai thẩm quyền ban hành thì văn bản không có hiệu lực.
Trước đó, trao đổi với PV VietNamNet, bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) cho biết, trước đây khi xây dựng dự thảo Nghị định 35, Bộ đề xuất sửa một số khoản của Điều 5 Nghị định 100.
Sau đó, Thường trực Chính phủ họp, có ý kiến rà soát đánh giá thì nội dung Điều 5 Nghị định 100 đang sửa trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, dự kiến được Quốc hội thông qua vào tháng 10/2023.
Bên cạnh đó, các nội dung liên quan đến chính sách nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội theo hướng sẽ có hiệu lực ngay khi luật được Quốc hội bấm nút thông qua.
“Vì thế, để bảo đảm tính ổn định của văn bản, không phải xử lý chuyển tiếp qua các giai đoạn khác nhau, Thường trực Chính phủ quyết định để sửa tổng thể trong Luật Nhà ở sửa đổi, không sửa Điều 5 Nghị định 100 nữa”, bà Hạnh nói.
Giữ lại quy định về nhà ở xã hội
Theo công văn đính chính, Chính phủ muốn giữ lại khoản 2 điều 5 Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, sau chưa đầy một tháng ban hành Nghị định 35. Nội dung khoản 2 điều 5 Nghị định 100 vừa được giữ lại như sau: “Trường hợp dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10ha thì chủ đầu tư dự án được lựa chọn hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định, hoặc chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20%, tính theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước... Hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước nhằm bổ sung vào ngân sách địa phương, dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn”. |
Bình luận