Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, các thành viên HĐQT của Hòa Phát sẽ không nhận thù lao. Cụ thể, doanh nghiệp đề xuất trích quỹ khen thưởng phúc lợi 42,2 tỷ đồng và không trích lập các quỹ đầu tư phát triển, thù lao HĐQT, khen thưởng ban điều hành. Trong khi đó năm trước đó, mức chi thù lao này lên đến 118 tỷ đồng.
Tổng lương và thưởng cho ban giám đốc là 5,26 tỷ đồng, tăng 35% so với mức 3,89 tỷ đồng của năm 2021. Như vậy, với 4 thành viên trong ban giám đốc, trung bình mỗi thành viên sẽ có mức thu nhập khoảng hơn 1,3 tỷ đồng/năm, tương đương với khoảng 109 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, thù lao, lương và thưởng thành viên ban kiểm soát cũng tăng lên 2,2 tỷ đồng và mức chi cho các cán bộ quản lý chủ chốt khác là 2,6 tỷ đồng.
Về phương án cho năm 2023, doanh nghiệp do ông Trần Đình Long làm Chủ tịch HĐQT dự kiến quỹ khen thường phúc lợi sẽ là tối đa 5% lợi nhuận sau thuế (khoảng 400 triệu đồng), thù lao HĐQT mức trích tối đa 1% lợi nhuận sau thuế (khoảng 80 triệu đồng). Quỹ khen thưởng ban điều hành tối đa 5% của phần lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch mốc 8.000 tỷ đồng.
Đại gia ngành thép này cũng không có kế hoạch chia cổ tức năm 2023 như năm 2022. Năm ngoái, công ty cũng đề xuất sử dụng toàn bộ 8.402 tỷ đồng lợi nhuận còn lại cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kế hoạch lợi nhuận năm 2023 của doanh nghiệp thép do ông Trần Đình Long làm Chủ tịch HĐQT là 8.000 tỷ đồng (Ảnh: Tiến Tuấn).
Trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu 150.000 tỷ đồng, tăng 6% so với mức thực hiện năm 2022. Ngược lại, kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 8.000 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2022, mức lợi nhuận này chỉ tương đương với kết quả của giai đoạn 2017-2019 của doanh nghiệp.
Quý IV/2022, Hòa Phát đạt doanh thu 26.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước và âm gần 2.000 tỷ đồng sau thuế.
Lũy kế cả năm 2022, công ty đạt doanh thu gần 142.000 tỷ đồng, giảm 5% so 2021. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt hơn 8.400 tỷ đồng, chỉ bằng 24% so với năm 2021. Cả 2 chỉ tiêu này đều thấp hơn mục tiêu đại hội cổ đông đề ra là 160.000 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận đạt 30.000 tỷ đồng.
Sếp Hoa Sen nhận lương hơn 300 triệu đồng/năm
Trong năm tài chính 2022, Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) đã chi tổng cộng hơn 21 tỷ đồng để trả lương và thưởng cho các nhân sự chủ chốt. Trong đó, thành viên HĐQT được nhận tổng thù lao là 1,86 tỷ đồng; tổng giám đốc nhận 2,7 tỷ đồng còn các thành viên khác của ban tổng giám đốc và HĐQT và được nhận 16,5 tỷ đồng.
HĐQT Hoa Sen hiện có 6 thành viên, không có sự biến động so với cùng kỳ năm trước. Trong đó ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT, nhận mức lương là 360 triệu đồng/năm. Các thành viên còn lại của HĐQT cũng nhận mức lương khoảng 240-360 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, lương cho ban tổng giám đốc cũng giảm mạnh từ 34,2 tỷ đồng xuống chỉ còn 16,5 tỷ đồng.
Kỳ này (từ 1/10/2022 đến 31/12/2022), Hoa Sen ghi nhận thù lao HĐQT là 585 triệu đồng và 3,1 tỷ đồng là lương cho ban tổng giám đốc, giảm hơn 400 triệu đồng so với kỳ trước.
Trong phiên họp cổ đông thường niên ngày 10/3, công ty này đặt kế hoạch kinh doanh dựa trên 2 kịch bản. Cả 2 kịch bản thì mục tiêu doanh thu đều giảm. Kịch bản 1 là doanh thu giảm 32%, lợi nhuận giảm 60%; kịch bản 2 là doanh thu giảm 28%, lợi nhuận dự tăng 20%.
Về tình hình kinh doanh, quý IV/2022, công ty này ghi nhận doanh thu đạt 7.917 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 680 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 638 tỷ đồng. Tính tới cuối năm 2022, tổng tài sản của doanh nghiệp này giảm hơn 30% so với năm ngoái về còn 16.000 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho chiếm 37% tổng tài sản, ghi nhận 5.980 tỷ đồng.
Mới đây, Hoa Sen bị Cục Thuế tỉnh Bình Dương xử phạt hơn 730 triệu đồng do hạch toán không đúng doanh thu, chi phí, thu nhập khác niên độ 2020-2021 dẫn đến thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp và VAT gần 2,08 tỷ đồng. Về hình thức xử phạt, HSG bị phạt tiền gần 416 triệu đồng và phải nộp thêm hơn 317 triệu đồng tiền chậm nộp thuế. Như vậy, tổng tiền truy thu và phạt doanh nghiệp này phải nộp là 2,81 tỷ đồng.
Khó khăn có thể còn kéo dài
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thành phẩm đạt 29,3 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021. Tiêu thụ thép thành phẩm đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 6,3 triệu tấn, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sản phẩm thép các loại năm 2022 cũng giảm 30% so với năm 2021 và thị trường chủ yếu vẫn là khu vực Đông Nam Á chiếm hơn 42%.
VSA đánh giá, đối vớingành thépViệt Nam, 2022 là một năm đầy thách thức khi thị trường tiêu thụ nội địa giảm sút, giá cả nguyên liệu sản xuất thép diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp thép rơi vào tình trạng khó khăn và thua lỗ.
2023 dự báo tiếp tục là năm khó khăn khi thị trường bất động sản gần như đóng băng vì các vấn đề lãi suất vay đã bị đẩy lên rất cao. Triển vọng trong tương lai của ngành phụ thuộc vào tiến độ giải ngân đầu tư công trong những năm tới khi đây sẽ là động lực tăng trưởng chính của các doanh nghiệp ngành thép. Do đó, những khó khăn và thách thức đối với ngành thép có khả năng kéo dài đến quý II/2023.
Theo nhận định của Công ty cổ phần SSI, nhu cầu trong nước có thể tiếp tục suy yếu do thị trường bất động sản trì trệ và chính sách tiền tệ thắt chặt. Theo Bộ Xây dựng, số lượng căn hộ mới được cấp phép xây dựng trong 3 quý đầu năm 2022 giảm 41% so với cùng kỳ. Ngoài ra, tiến độ của các dự án đang tồn đọng cũng có thể bị chậm lại, do vấn đề thanh khoản của chủ đầu tư bất động sản. Kênh hộ gia đình cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm của nền kinh tế nói chung, với tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất cao hơn.
10 thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam năm 2022 (Nguồn: VSA).
Công ty chứng khoán này đánh giá, giá thép có thể ít biến động hơn trong năm 2023 do nhu cầu của Trung Quốc ổn định. Sau khi giảm 2-4% trong năm 2022, nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ không thay đổi hoặc phục hồi nhẹ trong khoảng 1-2% trong năm 2023, điều này được thúc đẩy bởi việc mở cửa trở lại trong những tháng đầu năm. Dù thế, giá khó có thể tiếp tục phục hồi đáng kể do nhu cầu toàn thế giới còn chưa mạnh.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect nhận định rằng thép sẽ là ngành hiếm hoi tăng trưởng dương về lợi nhuận trong năm 2023, trong đó một phần đến từ nền lợi nhuận thấp của năm 2022. Trong năm nay, việc giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ sẽ bù đắp phần nào nhu cầu yếu từ lĩnh vực bất động sản dân dụng. Nhu cầu thép xây dựng Việt Nam năm 2023 được kỳ vọng sẽ giảm 9% so với cùng kỳ.
Trong ngắn hạn, ngành thép trong nước cũng đang chịu tác động từ những khó khăn như: giá nguyên liệu đầu vào cao và nhu cầu thép toàn cầu sụt giảm, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thép Việt Nam.
Nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng trong năm 2023. Do đó, dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới, dự báo tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam trong năm 2023 sẽ giảm 9,2% so với cùng kỳ xuống mức 9,5 triệu tấn.
Trong báo cáo chiến lược ngành thép năm 2023, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt cũng đưa ra nhận định rằng ngành thép đã trải qua năm 2022 khó khăn dồn dập ở cả thị trường xuất khẩu và nội địa. Dự báo năm 2023, ngành thép sẽ chưa thể thoát khỏi khó khăn một cách nhanh chóng khi ảnh hưởng tiêu cực của các xung đột địa chính trị, suy thoái kinh tế sau Covid và lạm phát khó hạ nhiệt nhanh chóng trong năm 2023.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ thép trong nước năm 2023 có thể được hỗ trợ bởi đầu tư công. Cụ thể, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tổng vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đạt 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 43,5% so với kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Giải ngân đầu tư công đã tăng tốc dần trong quý IV/2022.