Đến năm 2025, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém

11/06/2022 08:28
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 689 phê duyệt đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025".

 

Mục tiêu cụ thể của đề án là triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước nắm cổ phần chi phối và NHTM cổ phần có chất lượng quản trị tốt đã hoàn thành áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn vào cuối năm 2025; phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các NHTM đạt tối thiểu 10-11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11-12%.

Phải bảo đảm số vốn điều lệ tối thiểu

Tổ chức tín dụng (TCTD) phải có biện pháp bảo đảm có số vốn điều lệ đến năm 2025 như sau:

- Đối với TCTD đang hoạt động (không bao gồm ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính yếu, yếu kém/được kiểm soát đặc biệt thực hiện phương án cơ cấu lại do cấp có thẩm quyền phê duyệt):

+ Đối với các ngân hàng thương mại, nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng; nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và ngân hàng thương mại có vốn nước ngoài: vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.

+ Đối với công ty tài chính (CTTC), vốn điều lệ tối thiểu đạt 750 tỷ đồng.

+ Đối với công ty cho thuê tài chính (CTCTTC), vốn điều lệ tối thiểu đạt 450 tỷ đồng.

- Đối với NHTM, CTTC, CTCTTC yếu, yếu kém/được kiểm soát đặc biệt thực hiện phương án cơ cấu lại do cấp có thẩm quyền phê duyệt, phương án tăng vốn thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD, nợ xấu đã bán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3% (không bao gồm các NHTM yếu kém).

Đến năm 2025, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém

Đến năm 2025, cố gắng giảm số lượng các tổ chức tín dụng, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém, không để phát sinh những ngân hàng yếu kém mới (Ảnh: Mạnh Quân).

Khuyến khích mua bán, hợp nhất, sáp nhập các TCTD

Đề án nêu cụ thể nhóm giải pháp cơ cấu lại TCTD. Theo đó, các TCTD xây dựng phương án và tổ chức triển khai các giải pháp phù hợp theo từng nhóm/khối các TCTD bao gồm: tăng vốn điều lệ, nâng tỷ lệ an toàn vốn để tăng cường năng lực tài chính và an toàn hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, chất lượng tín dụng...; khuyến khích tham gia mua bán, hợp nhất, sáp nhập các TCTD trên cơ sở tự nguyện để gia tăng quy mô, phạm vi hoạt động, khả năng cạnh tranh; triển khai và áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao, hướng tới đạt trình độ phát triển của Nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025. TCTD yếu, yếu kém áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật để bảo đảm giữ vững ổn định hệ thống các TCTD, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Trong đó, với các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (không bao gồm các ngân hàng mua bắt buộc):

- Xây dựng phương án nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động và tổ chức triển khai thực hiện theo các giải pháp tăng vốn điều lệ để cải thiện, nâng cao năng lực tài chính, triển khai thí điểm áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao (riêng đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam theo phương pháp tiêu chuẩn), trong đó, giai đoạn 2022 - 2023, tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 cho các NHTM cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam; giai đoạn 2024 - 2025, nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền để tăng vốn theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn hệ thống.

- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chủ động xây dựng phương án để cơ cấu lại toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động và giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn; tăng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; triển khai các bước để thực hiện cổ phần hóa sau khi Bộ Tài chính hoàn tất việc phê duyệt phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất của ngân hàng; thực hiện niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước.

Các NHTM mua bắt buộc, triển khai cơ cấu lại theo Phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong hoạt động ngân hàng, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các tồn tại, rủi ro trong quá trình tác nghiệp của ngân hàng.

Đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu; phân loại nợ theo quy định của pháp luật; đẩy nhanh và gia tăng hiệu quả công tác xử lý, thu hồi nợ và tài sản tồn đọng cho ngân hàng.

Với các NHTM cổ phần, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, trên cơ sở số liệu giám sát, kết quả thanh tra, đánh giá của kiểm toán độc lập và kết quả xếp hạng, các NHTM cổ phần, CTTC và CTCTTC được phân thành 03 nhóm, bao gồm:

Nhóm 1: Nhóm NHTM cổ phần, CTTC và CTCTTC có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn;

Nhóm 2: Nhóm NHTM cổ phần, CTTC và CTCTTC có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình;

Nhóm 3: Nhóm NHTM cổ phần, CTTC và CTCTTC hoạt động yếu, yếu kém, tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất an toàn hoạt động để triển khai các giải pháp:

+ Tiếp tục phát triển, nâng cao năng lực tài chính cả về quy mô và chất lượng, hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch, đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực về quản trị và an toàn hoạt động ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật và thông lệ quốctế; ứng dụng và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại.

+ Tăng vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có của TCTD để bảo đảm mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật và nâng cao tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế.

+ Khuyến khích tham gia mua bán, hợp nhất, sáp nhập các TCTD trên cơ sở tự nguyện để gia tăng quy mô, phạm vi hoạt động, khả năng cạnh tranh.

+ Triển khai và áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao, hướng tới đạt trình độ phát triển của Nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

+ Các TCTD yếu, yếu kém được xem xét áp dụng các biện pháp can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật, bảo đảm giữ vững ổn định hệ thống các TCTD, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Còn với các TCTD nước ngoài (liên doanh, 100% vốn nước ngoài), tiếp tục tạo điều kiện cho các TCTD nước ngoài hoạt động kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng với các TCTD trong nước; khuyến khích các TCTD nước ngoài tham gia hỗ trợ và xử lý các vấn đề khó khăn, yếu kém của các TCTD trong nước; khuyến khích các TCTD nước ngoài đi đầu trong việc phát triển và áp dụng các công nghệ hiện đại, đưa các sản phẩm, dịch vụ mới tới thị trường Việt Nam; hỗ trợ các TCTD trong nước trong việc tiếp cận với các quy trình, sản phẩm, công nghệ mới đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về sản phẩm và dịch vụ của khách hàng.

Tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh

Về nhóm giải pháp xử lý nợ xấu, đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ để có biện pháp xử lý thích hợp; thực hiện trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo đúng quy định pháp luật; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ pháp lý tài sản bảo đảm (TSBĐ); thu nợ và xử lý TSBĐ; kiểm soát chặt chẽ và giảm chi phí hoạt động; tiếp tục triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan Công an, Tòa án nhân dân, cơ quan Thi hành án các cấp trong quá trình xử lý TSBĐ để thu hồi nợ, nhằm bảo đảm thu hồi tối đa giá trị các khoản nợ, hạn chế thiệt hại cho các TCTD.

Trình cấp có thẩm quyền xem xét, cấp bổ sung vốn điều lệ đạt mức 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2022 - 2025 để nâng cao năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của VAMC.

Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và cơ quan liên quan trong việc xử lý nợ xấu của các TCTD. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD trên địa bàn trong việc xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu, đặc biệt là hỗ trợ trong thực hiện các thủ tục hành chính tại địa phương để xử lý nợ xấu, TSBĐ, các thủ tục liên quan đến pháp lý các dự án bất động sản là TSBĐ của ngân hàng để từng bước tháo gỡ khó khăn, xử lý TSBĐ để thu hồi nợ; tạo điều kiện để TCTD có thể xử lý nhanh TSBĐ của các khoản nợ xấu liên quan đến các vụ án đang được xử lý tại địa phương theo quy định của pháp luật.

Bài liên quan

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết đã báo cáo và được Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương xử lý với 4 ngân hàng yếu kém. Trên cơ sở ý kiến, Chính phủ chỉ đạo NHNN xây phương án xử lý cụ thể. Đã trình Bộ Chính trị cho chủ trương xử lý 2 ngân hàng yếu kém Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Vén hồ sơ ngân hàng yếu kém mà Vietcombank có thể sắp nhận chuyển giao CBBank là ngân hàng đầu tiên bị NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng. Nhà băng này sau đó nhiều lần được rao bán lại cho khối ngoại nhưng không thành công. Dần lộ diện ngân hàng yếu kém mà Vietcombank có thể sắp nhận chuyển giao? Có khả năng ngân hàng mà Vietcombank phải nhận chuyển giao bắt buộc là CBBank. Vietcombank tính toán thời gian đưa tổ chức tín dụng về hoạt động bình thường khoảng 8-10 năm.

 

Theo dantri.com.vn

Đến năm 2025, xử lý cơ bản các ngân hàng yếu kém - Tài Chính