Bán căn nhà ở thành phố Nam Định được gần 4 tỷ đồng, ông Nguyễn Hải (62 tuổi) dự định mua cho con một căn nhà mặt đất tại khu Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội). Nhưng theo dõi thị trường gần đây, ông Hải nhận thấy giá bất động sản đang quá cao và có khả năng giảm nên ông quyết định gửi tiết kiệm ít nhất là đến cuối năm nay mới mua. Ông đang so sánh lãi suất 6 tháng tại các ngân hàng để gửi tiết kiệm.
Lãi suất tiền gửi tăng
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, từ đầu năm nay, đa số ngân hàng đều có động thái điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm, ngoại trừ nhóm ngân hàng TMCP Nhà nước (BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank).
Đối với kênh gửi tiết kiệm tại quầy, mức lãi suất phổ biến mà các ngân hàng áp dụng cho khách hàng cá nhân ở kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 3,05-4%/năm; gửi 6 tháng dao động 4-6,25%/năm; kỳ hạn 12 tháng là 5-7%/năm.
Đối với kỳ hạn 6 tháng, CBBank vẫn đang là "quán quân" về lãi suất tiết kiệm với mức 6,25%/năm. Với khoản tiền 4 tỷ đồng của ông Hải, nếu gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng có thể nhận về tối đa 125 triệu đồng. Nằm trong top 2 về lãi suất tiết kiệm cao nhất gồm BacABank 6,1%/năm; Viet Capital Bank, VietABank, OceanBank cùng ở mức 6%/năm.
Dẫu vậy, nếu so sánh, mức 4%/năm thấp hơn nhiều so với lãi suất tối đa kỳ hạn 6 tháng hồi cuối năm 2019 là 7,99%/năm và cuối năm 2020 là 6,65%/năm.
Ở chiều ngược lại, VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank đang áp dụng mức lãi suất thấp nhất hiện nay với chỉ khoảng 4%/năm kỳ hạn gửi 6 tháng. Còn các ngân hàng như ABBank, Eximbank, SHB, GPBank đưa ra mức lãi suất phổ biến trong khoảng 5,2-5,55%/năm.
(Biểu đồ: Văn Hưng).
Muốn hưởng lãi suất cao, phải gửi hàng chục, hàng trăm tỷ đồng
Ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng là SCB với mức 7%/năm mà không yêu cầu điều kiện về số tiền gửi tối thiểu. Trong khi đó, khách hàng phải gửi từ 999 tỷ đồng tại Techcombank kỳ hạn 12 tháng mới có thể nhận mức lãi suất 7,1%/năm, còn không thì chỉ 5%/năm.
MSB cũng quy định số tiền của khách hàng phải từ 200 tỷ đồng trở lên và phải gửi đồng thời tại hai kỳ hạn là 12 tháng và 13 tháng mới được áp dụng lãi suất 7%/năm. HDBank yêu cầu khách gửi từ 30 tỷ đồng mới được hưởng lãi suất 6,85%/năm, còn không chỉ 5,65%/năm.
Thông thường, kỳ hạn 12 - 13 tháng thường là kỳ hạn cơ sở để các ngân hàng tính lãi suất cho vay. Biên độ dao động khoảng 3,5 - 4%, tùy ngân hàng. Ví dụ, lãi suất cho vay với khoản vay tại ngân hàng A sẽ được tính bằng lãi suất tiết kiệm 12 - 13 tháng cộng biên độ 3,5 - 4% sau khi hết thời gian áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi. Do đó, lãi suất huy động càng cao thì lãi suất cho vay càng cao, và ngược lại.
Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại nhóm ngân hàng gồm VietBank, VietABank, Kienlongbank, CBBank, OceanBank, BacABank, Viet Capital Bank phổ biến ở mức 6,5-6,6%/năm; nhóm Sacombank, PGBank, Saigonbank, DongABank, VPBank 5,8-6%/năm; nhóm ABBank, Eximbank, SHB, GPBank 5,7-5,75%/năm.
Trường hợp khách hàng gửi tiết kiệm online, lãi suất thường cao hơn 0,1%/năm-0,2%/năm, cá biệt lên đến 0,6%/năm so với khi gửi tại quầy. Có thể kể đến SCB trả lãi kỳ hạn 6 tháng 6,65%/năm, tức 4 tỷ đồng có thể nhận về tối đa 133 triệu đồng; CBBank sẵn sàng trả lãi gửi online 6,35%/năm, thay vì mức 6,25% gửi tại quầy.
Đưa ra dự báo về lãi suất ngân hàng trong năm nay, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá mặt bằng chung có thể tăng nhẹ 0,25 - 0,5%/năm. Áp lực lạm phát khi giá nhiều loại nguyên vật liệu có xu hướng tăng mạnh cùng triển vọng mở cửa lại toàn bộ nền kinh tế có thể sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất huy động, nhưng ở mức thấp để vẫn có thể hỗ trợ cho sự hồi phục của nền kinh tế.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định lãi suất huy động năm nay có thể đi ngang, mức tăng nhẹ nếu có chỉ xuất hiện khi ngân hàng đẩy mạnh cho vay vào cuối năm.